Pages

Saturday, January 19, 2013

Chuyện Ngắn

-->
Những nốt nhạc trong khung trời của tôi.





Có lẽ mối tình của tôi với âm nhạc bắt đầu khi tôi còn bé tí. Khởi đầu bằng hai bài về mùa thu của của Đặng Thế Phong mà mẹ tôi thường ngân nga hát để ru em tôi ngủ. “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi, trời Bắc u buồn mây hắt hiu ngừng trôi….”  và “ Đêm nay thu sang cùng heo may Đêm nay sương lam mờ chân mây Thuyền ai lờ lững trôi xuôi …”. Tuy mới khoảng năm, sáu tuổi, chưa hiểu nổi ý nghĩa của lời nhưng cái giai điệu nhẹ nhàng của bài hát và khuôn mặt buồn man mác của mẹ mỗi khi hát đã làm hai bài này đi sâu vào tiềm thức non nớt của tôi.


 

Vài năm sau, khoảng tám, chín tuổi thì cái “thư viện nhạc chọn lọc” của tôi có được thêm một bài hát nữa, bài “Tôi đưa em sang sông” của Nhật Ngân. Lúc bấy giờ căn nhà của tôi ở hẻm đường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng có một cái giếng ở trước sân nhà. Thời đó xóm tôi chưa có nước máy nên bà con phải dùng nước giếng. Xóm có ba, bốn cái giếng nhưng cái giếng trước sân nhà tôi chiều nào cũng rộn rã với mấy anh chàng trai trẻ hàng xóm đến xin múc nước. Toàn là cây si của chị tôi, kiếm cớ đến để được nhìn trộm dung nhan của chị. Mấy anh múc nước thì ít mà nói chuyện, ca hát thì nhiều. Một trong các bài mấy anh thường huýt gió hay ca hát là bài “Tôi đưa em sang sông”. Bài này lúc ấy mới vừa ra đời, rất nổi tiếng và tác giả Nhật Ngân lại là bạn đồng môn của các anh, đồng môn của trường trung học nổi tiếng xứ Đà, trường Trung Học Phan Chu Trinh. Tôi nghe các anh hát mãi thành quen, rồi thành ghiền lúc nào mà không hay. Về sau khi lớn lên nghe lại thì mới thấm thiá được lời. Lại càng thích thêm. Thích nhất là những câu đơn sơ, chân thật nhưng tràn trề với tình yêu.  “ Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm. Để thấm ướt chiếc áo xanh và đẫm ướt mái tóc em……..Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần. Sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim

Đến tuổi lên trung học thì âm nhạc lại càng làm tôi say mê thêm. Tôi không những được nghe mà còn được có cơ hội hát những bài mình yêu. Ban tam ca nam độc đáo của trường gồm ba bạn thân T, T và H, với những bản nhạc nồng nàn, khắc khoải của Lê Uyên Phương như “Cho Lần Cuối” và “Tình khúc cho em” đã gây ấn tượng sâu xa trong tôi. Nhớ mãi những lần hát song ca bài Thu Vàng cùng T.H, nhỏ bạn rất thân. Điệu valse uyển chuyển, bay bướm đã đưa hồn tôi bay bổng lên tận mây xanh. Và sẽ không bao giờ quên những lần tập hát song ca với một người bạn khác phái, cùng trường, bài “Mùa Thu Cho Em” của Ngô Thụy Miên. Không hiểu tại sao đa số những bài tôi yêu lại là những bài về nói về mùa Thu. Ngẫu nhiên hay là định mệnh ? Lời của bài thật dễ thương, ngọt ngào, như những lời tỏ tình, mong ước của một chàng trai mới lớn, đầy mơ mộng. “…Và em có mơ khi mùa thu tới.Hai chúng ta sẽ cùng chung lối. Em với anh mơ mùa thu ấy, tình ta ngát hương…”.  Trong khung cảnh nên thơ của bài hát, con tim tôi cũng run rẩy, rung động theo  nhịp đàn và giọng hát của người bạn song ca.

Đến hơn bốn mươi năm sau tôi mới khám phá ra là đối tượng của mình cũng “lẩy bẩy” thầm không kém. Thật là ngây ngô, khờ khạo. Từ đó bài “Mùa Thu Cho Em”, với tôi, đã trở thành bài hát của kỷ niệm. Mỗi lần tình cờ nghe lại bài này ở đâu đó thì lòng tôi không tránh khỏi nỗi xao xuyến, bâng khuâng.
Cũng trong thời gian trung học, do duyên số, tôi lại được biết và yêu thêm một bài nhạc thật dễ thương, cả nhạc lẫn lời. Chính bài hát này đã dùng như lời tỏ tình của ông anh rể tương lai đến chị tôi. Số là một hôm tôi theo con bạn gái đến trường của nhỏ học để nhỏ nộp bài. Tại trường nhỏ bạn, tình cờ tôi gặp một ông thầy trẻ và khá đẹp trai. Nhỏ bạn giới thiệu tôi với thầy của nhỏ. Chuyện qua chuyện lại, tôi vô tình có khoe là có một bà chị cũng mới đi dậy học ở một trường cách đó không xa. Thế là không hiểu ông thầy trẻ này tưởng tượng hình bóng chị tôi như thế nào mà ông quyết chí đi tìm chị tôi, người tình chưa bao giờ gặp. Đến khi tìm gặp được, ông trao cho chị cuốn tuyển tập nhạc tựa đề “Mộng Dưới Hoa” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương trong đó ở trang đầu ông viết tay mấy dòng đầu của bài hát nói trên “ Chưa gặp em anh vẫn nghĩ rằng. Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng…..”  Dĩ nhiên là chị tôi xúc động lắm và kết quả là hai người đã trở thành hai người bạn đường cho đến hôm nay. Ngày nay, thỉnh thoảng khi nhìn anh chị con cháu đầy đàn, tôi không tránh khỏi niềm kiêuhãnh là đã là đầu dây mối nhợ cho cuộc tình của hai ông bà ấy.

Khi lên đến những năm đầu Đại Học thì tôi lại bắt đầu tương tư những bài nhạc Pháp quyến rũ. Nhớ mãi giọng hát Christophe nhức nhối trong bài “Je Ne T’aime Plus” và “Mal” hay nhịp nhàng, lãng mạn với “Oh Mon Amour” hoặc giọng hát Jean Francois Michael thống thiết trong “Coupable –……tôi cảm thấy tội lỗi vì đã quên em. Có lỗi, có lỗi, có lỗi vì đã được em yêu. Có lỗi, có lỗi, có lỗi đến muôn đời. Có lỗi, có lỗi, có lỗi vì đã đi qua cuộc đời em…. ” . Nhiều hôm tan học, đi ngang qua những quán café nhạt nhoà ánh sáng, nghe loáng thoáng bài hát bằng tiếng Pháp vọng ra, lúc ấy tuy chỉ hiểu lõm bõm lời nhưng qua âm điệu buồn ray rứt của bài và người hát, lòng tôi như chìm hẳn xuống, chân tay uể oải rã rời, không còn muốn lê bước về nhà.
 Nhưng may sao, tôi vẩn còn một nơi chốn êm đềm để trở về mỗi khi chán chường như thế. Đó là dòng nhạc Việt.Cứ mỗi khuya thứ Năm, dù bận bài vở thế nào tôi cũng canh giờ, ôm khư khư cái radio để được nghe chương trình Nhạc Chủ Đề do Nguyễn Đình Toàn phụ trách. Toàn là nhạc chọn lọc, hát bởi những ca sĩ có giọng ca thật trầm ấm, truyền cảm mà tôi ưu ái như Sĩ Phú, Duy Trác, Khánh Ly, Lệ Thu. Hơn nữa tôi rất mê giọng nói gìới thiệu chương trình của Nguyễn Đình Toàn. Giọng nói của ông từ tốn, ấm cúng và đều đều như dỗ dành, ru ngủ tôi, đứa con gái  mới chợt bưóc vào ngưỡng cửa cuộc đời.

Chưa có cơ hội sống hết thời con gái thì biến cố 75 xảy ra, và không lâu sau đó đã đưa đẩy tôi phải xa quê hương. Những năm đầu nơi xứ người, nhớ quê hương, nhớ nhạc Việt quay quắt, tôi và cô em gái tham gia vào những chương trình văn nghệ của Cộng Đồng Người Việt cho khuây khoả. Được vài năm thì tôi từ giã chuyện văn nghệ để lập gia đình. Từ một đứa con gái chỉ biết vui đùa, ăn diện nay trở thành một người đàn bà với bao nhiêu trách nhiệm mới, không có được ở gần mẹ và chị em để nhờ cậy, tôi lu bu với cuộc sống gia đình và chẳng còn có thời gian để nghĩ đến đến âm nhạc. Mãi đến khi các con bắt đầu đi học và tập tành học đàn thì âm nhạc lại trở về với đời tôi. Sáng sáng khi còn ngái ngủ trên giường tôi đã nghe tiếng đàn tập luyện của con vọng lên từ nhà dưới. Những tiếng đàn tuy vẫn còn vụng về, luộm thuộm nhưng cũng đủ làm đời tôi thêm ý nghĩa. Khi các con lớn lên chút nữa và được tuyển vào trường trung học chuyên về âm nhạc thì căn nhà của tôi chẳng mấy khi vắng tiếng piano, đàn guitar hoăc tiếng kèn saxophone. Tuy mù tịt về nhạc lý nhưng qua các con, tôi hiểu và thích thêm các thể loại nhạc ngoại quốc khác như rock, blue, jazz , pop và nhạc êm dịu không lời. Tôi yêu nhạc ngoại không kém nhạc Việt. Lời nhạc ngoại đa số giản dị, không dùng sáo ngữ nên nghe rất thật và dễ cảm nhận. Ngoài ra, giai điệu nhạc ngoại rất phong phú, mỗi bài một khác nên tôi nghe mãi mà vẫn không chán. Kho tàng âm nhạc của tôi cứ thế mà ngày càng phong phú thêm lên. Gìờ đây, tuy tôi không còn được nghe các con chơi nhạc thường xuyên như hồi xưa vì chúng bận học hành nhưng cuộc sống của tôi  vẫn không thiếu những nốt nhạc trầm bổng thân yêu – trong computer, CDs, mp3, trong điện thoại di động và trong xe….Trong tôi, âm nhạc làm tan biến đi những mệt mỏi của một ngày làm việc bận bịu; biến chuyện dọn nhà, nấu cơm thường nhật thành những công việc đỡ nhàm chán;  làm con đường mà tôi thường xuyên lái xe đến thăm mẹ bớt dài lê thê; khiến những bức tranh tôi vẽ như có hồn ra; giúp những lời văn tôi viết có thêm cảm xúc và khi tôi buồn, âm nhạc đưa hồn tôi như siêu thoát, bềnh bồng giữa những đám mây. Như không tránh được, âm nhạc cũng nhiều khi đưa hồn tôi về những dĩ vãng thật xa xưa, làm cho con tim tưởng rằng đã ngủ yên với thời gian, bỗng dưng giật mình tỉnh giấc với nỗi xót xa, bồi hồi của một thời đã qua. “Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại.Cuộc tình nào đã ra khơi, ta còn mãi nơi đây.Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa…..”

 Có những lúc tôi nghĩ lẩn thẩn - thời thượng cổ không có âm nhạc thì lúc đó con người có nguồn đam mê không nhỉ? Và khi cần khuây khoả tâm hồn thì họ sẽ dựa vào đâu ? Chao ơi, cuộc sống lúc đó hẳn là khô khan và tẻ nhạt ghê lắm. Với tôi, âm nhạc là tri kỷ, là ngôn ngữ của hồn, là liều thuốc của con tim, là nguồn sống và là... tất cả. Xin cám ơn đời, cám ơn người đã cho tôi có được niềm đam mê tuyệt vời ấy.

Adelaide, mùa thu 2012
Hạnh Phạm

2 comments:

  1. Từ ngàn xưa, âm nhạc là món quà quí giá mà thượng đế đã dành cho con người. Nhưng không phải ai cũng thưởng thức và cảm kích nó như H.P đâu !

    ReplyDelete
  2. Cuộc đời mà thiếu âm nhạc như cây không nước, như kỳ vô phong. Nhưng không có mợ chơ vẫn đong. Thời thượng cổ, không âm nhạc thì người ta đánh trống, vổ tay tạo ra tiếng dộng cho đời đở buồn. Không biết có đúng hôn?

    ReplyDelete