Nếu không nhờ những lời chúc tụng, những bản nhạc xuân do các bạn gửi qua emails, có lẽ tôi sẽ không biết là mùa xuân đang đến. Ở nơi đây, cuộc sống cứ lặng lẽ trôi. Lặng lẽ như những làn sóng nhỏ trên mặt hồ, chỉ gợn lên với cơn gió thoảng rồi lại tan loãng theo những vòng tròn to nhỏ. Mùa xuân không còn là hình ảnh tươi mát đầy sức sống của những cành mai vàng vừa hé nụ mà là hình ảnh của những cánh đồng vàng cháy nắng, của con sông sau nhà cạn nước, lờ đờ, mệt mõi. Cái mát mẻ của ngày xuân thay bằng cái nóng nung nấu của sa mạc theo gió đưa về. Cái nóng mùa hè, khô rang, nghiệt ngã của tiểu bang khô nhất nước Úc đôi khi lên đến những 45 độ C. Cây cỏ trong vườn chới với, cong queo, oằn lên chịu đựng. Hình ảnh mùa hè ở đây thật héo hon, xơ xác nên sự chào đón những ngày xuân trong tôi thường thiếu hẳn niềm tha thiết, mong chờ.
Khác với nhiều năm trước, năm nay Tết lại rơi vào những ngày nghỉ hè. Điều này có nghĩa là tôi không phải đầu tắt mặt tối đi làm như thường lệ để rồi khi chiều đến chỉ kịp về nhà ăn uống qua loa rồi nhào ra biển hạ nhiệt cho đến chập tối mới mò về đi ngủ. Năm nay tôi may mắn còn có một chút thời giờ rảnh rỗi để nghĩ đến và sửa soạn cho mấy ngày Tết. Sự thảnh thơi hiếm có của những ngày đầu năm khiến tôi thêm phần hăng hái trong việc đón xuân.
Đầu tiên, tôi sẽ ra ngoài vườn, bẻ một cành mơ, tuốt gần hết lá để gắn vào cành những đóa hoa mai bằng giấy. Dĩ nhiên là sẽ không được tự nhiên như cây mai thật nhưng ít ra sẽ làm sinh động thêm phần nào cái không gian vẫn thường hay tẻ nhạt.
Ngày mai, nếu trời bớt nóng, tôi sẽ lái xe đến khu chợ Việt Nam, mua mấy cái bánh chưng và vài hộp bánh mứt xanh xanh đỏ đỏ để đặt cạnh nhành mai cho có thêm màu sắc. Từ nhà đến đó mất hơn một tiếng lái xe. Gọi là chợ chứ thật ra chỉ là vài cái tiệm tạp hóa lọt chọt, rải rác ở trên một con đường trong khu vực có nhiều người Việt. Đa số chủ tiệm là người Việt gốc Hoa nhưng để phục vụ khách người Việt, họ bày bán nhiều thực phẩmvà hàng hoá Việt Nam. Vào những ngày gần Tết, họ thường mở thêm một khu vực bán bánh mứt, hoa quả. Nhìn bà con tíu tít mua bán, nghe nhạc Xuân từ cái màn ảnh T.V trong góc của tiệm, hít hà mùi hương thơm ngây ngấy của mấy chậu hoa vạn thọ, không ít thì nhiều tôi sẽ tìm lại được cái cảm giác rộn ràng của những ngày đi chợ Tết.
Đến hôm đêm giao thừa, tôi sẽ gọi điện thoại về cho mấy con bạn thân còn ở lại Việt Nam để nghe bọn nó kể chuyện sửa soạn đón năm mới. Nghe nói năm nào nhà con Mai cũng gói bánh chưng. Năm nay tôi sẽ canh vào lúc Mai đang ngồi rảnh rang luộc bánh để gọi về nói chuyện xưa tích cũ, để nhắm mắt lại, lắng nghe qua điện thoại những tiếng tí tách của ngọn lửa hồng rồi hình dung ra cảnh gia đình mình quây quần bên bếp lửa trong những đêm giao thừa xa xưa ấy. Đêm giao thừa là đêm tôi thường yêu thích và mong chờ nhiều nhất, hơn cả ngày mùng một Tết mặc dù ngày đó là ngày được tiền lì xì. Có một cái gì thật thiêng liêng, gần gũi, êm đềm trong khung cảnh gia đình được ngồi lại bên nhau quanh bếp lửa. Bao nỗi lo lắng, mệt nhọc, khó khăn trong cuộc sống dường như được trút qua một bên để dành lại cho những giây phút hạnh phúc ngắn ngủi.
Tối đó, khi lên giường đi ngủ, tôi sẽ không quên mở bản nhạc bất hủ của Vũ Thành An, “Em đến thăm em đêm ba mươi. Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi. Anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em...”. Giọng hát liêu trai của Khánh Ly sẽ đưa tôi trở lại với hương vị ngọt ngào của những nụ hôn đầu đời mà bây giờ vẫn còn ngây ngất. Để rồi sau đó lại phải ngỡ ngàng với hiện tại “Ngày tháng đã trôi qua. Tình đã phôi pha. Người khuất xa. Chỉ còn chút hương xưa...” Ôi! Cuộc tình đau !
Qua sáng mùng một Tết, vẫn còn được ở nhà. Tôi sẽ đợi các con dậy để trao cho chúng những phong bì lì xì màu đỏ. Trong mỗi phong bì là một tờ giấy $5.00 đô la mới toanh còn thẳng nếp. Phải kiên nhẫn chờ vì có đứa đi làm đến thật khuya mới về, sáng phải ngủ bù cho đến mãi trưa mới dậy. Có lẽ chúng sẽ ngơ ngác không hiểu và tôi sẽ phải kiên nhẫn một lần nữa, giải thích cho từng đứa cái tục lệ thật dễ thương, đã gắn liền với những ngày tuổi thơ của mẹ chúng. Cái bánh chưng mua sẵn từ mấy hôm trước sẽ được cắt ra thành những miếng nhỏ để các con ăn thử. Ngoài thằng út là thích đồ ăn Việt Nam, có lẽ hai thằng lớn sẽ cắn một miếng rồi lè ra chê dở. Nhưng không sao, tôi sẽ dùng cơ hội này để giới thiệu cho cả ba một bài học đầu tiên về lịch sử của quê hương tôi - sự tích bánh dày bánh chưng. “Ngày xưa, vào đời Hùng thứ sáu, sau khi dẹp xong giặc Ân, vua có ý định truyền ngôi…”
Buổi chiều mùng một Tết, tôi sẽ lái xe đến thăm và chúc tuổi mẹ. Mẹ tôi hẳn là sẽ cảm động lắm vì đã có người đến xông nhà. Một điều thật đơn giản nhưng mấy khi các con thực hiện được cho mẹ. Cuộc sống bên này cứ thế mà quay cuồng, như một cơn bão, cuốn hết thời gian, ngay cả những thời gian cần thiết dành cho gia đình . Thế cho nên thường thuờng mẹ tôi cũng quên luôn cả ngày Tết. Chỉ đến khi có đứa con nào gọi điện thoại lại chúc tuổi thì mới biết.
Tối hôm ấy, tôi sẽ tìm một nhà hàng Á Châu nào đó có múa lân để hai mẹ con cùng ăn tối và xem múa lân. Để được nhìn đôi mắt già yếu của mẹ sáng và tươi hẳn lên, như đôi mắt của đứa trẻ con, theo dõi những bước nhảy múa ngoạn mục của con lân.
Đêm đó, mùng một Tết, tôi sẽ không lái xe về mà ngủ lại với mẹ. Tôi sẽ thắp vài ngọn nến , đốt vài que nhang để cùng mẹ đọc một vài kinh Kính Mừng, một kinh Lạy Cha và một kinh Vực Sâu. Hai mẹ con sẽ cầu nguyện cho bố tôi, linh hồn Đô Mi Ni cô đã qua đời đột ngột vào ngày mùng hai Tết, năm Mậu Thân, đúng bốn mươi bốn năm về trước.
Và như thế tôi miên man với những dự tính cho những ngày sắp đến. Lòng tôi cảm thấy rộn ràng, háo hức, một cảm giác tưởng như đã ra đi mãi mãi, như cái ngày tôi âm thầm rời bỏ quê hương. Hôm nay, qua khung cửa sổ sau nhà, những cánh đồng khô vàng úa bỗng trở thành một cánh đồng đầy hoa mai vàng rực rỡ. Thì ra những ngày xuân năm nào của tôi đang bắt đầu trở lại. Thì thầm, tôi hát cho chính mình nghe: “Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?”
Hạnh Phạm
Một bài kỷ niệm về người Mẹ yêu quí đáng ghi nhớ!
ReplyDelete